1. Hai hiện tượng văn xuôi nổi bật của văn học Trung Quốc cuối thế kỉ XX = Two outstanding literary phenomena of the Chinese literature at the end of the 20th century/ Nguyễn Thị Mai Chanh

Tóm tắt: Sự xuất hiện của một số hiện tượng văn xuôi Trung Quốc cuối thế kỉ XX như là đòn chót trong cuộc phá hủy trật tự văn học thiết lập từ nhiều thập niên kể từ sau ngày thành lập nước Trung Quốc mới (1949). Sự xuất hiện này đồng nghĩa với việc xác lập nên hình thái ý thức văn học mới, đưa sáng tác và tiếp nhận đến gần hơn với bản chất văn chương. Ngày nay, nói đến các hiện tượng văn xuôi Trung Quốc cuối thế kỉ XX là nói đến sự nghiệp đã qua của một lớp tác gia giờ đây đầu đã bạc. Nhìn từ góc độ nào đó, công việc ấy có chút tương tự như công việc của khảo cổ học, cũng có thể nói giống với việc vén màn thời gian nhìn lại một khúc quanh của văn học sử. Những thứ mà đương thời các hiện tượng văn học chủ trương lật đổ để xây dựng cái mới, thì giờ đây có thứ cũng lại đã đổ rồi, hay cũng chẳng còn gì là mới nữa. Đó ắt hẳn là “định mệnh” của bất kì công quả “tiên phong” đổi mới nào. Song thực ra, nếu không có cái định mệnh như thế thì đã không có lịch sử văn học đích thực. Việc đặt vấn đề nghiên cứu một cách khách quan những đóng góp của các hiện tượng văn xuôi nổi bật cuối thế kỉ XX đối với sự phát triển của văn học đương đại Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội)/ 2021, Số 1, Tr.3-9

2. Vài nét về trào lưu văn học Linglei trong dòng văn học Trung Quốc = About the Linglei literary trend in Chinese literature/ Nguyễn Thị Hiền

Tóm tắt: Trong nền văn học Trung Quốc có một số tác phẩm xa rời văn học chính thống, được gọi là tác phẩm văn học “Linglei”. Nhưng trào lưu văn học Linglei chỉ thực sự nở rộ và được coi là một hiện tượng văn học khi xuất hiện các tiểu thuyết của các nhà văn sinh vào thập niên 70 của thế kỷ XX như Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan, Xuân Thụ... Văn học Linglei có một số tác phẩm gây tranh cãi trong giới nghiên cứu văn học trong và ngoài Trung Quốc. Bài viết sơ lược quá trình hình thành và phát triển của trào lưu văn học Linglei trong dòng văn học Trung Quốc đương đại, và tìm về một vài dấu vết văn học Linglei trong văn học cổ đại, hiện đại, cũng như tìm hiểu về sáng tác của một số tiểu thuyết gia Linglei tiêu biểu trong văn học đương đại Trung Quốc.

Nguồn trích: Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội/ 2020, Số 9, Tr.31-38

3. Thơ Triệu Lệ Hoa: nhìn lại từ sự kiện Lê Hoa = Zhao Li Hua’s Poetry: From the Li Hua Incident/ Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Tóm tắt: Sự kiện Lê Hoa xảy ra vào năm 2006 là một sự kiện thơ ca và văn hóa lớn nhất của văn học Trung Quốc kể từ sau phong trào “Tân thơ vận động” của Hồ Thích và Quách Mạt Nhược (1997). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những vấn đề chính: đặc điểm phong cách thơ khẩu ngữ của Triệu Lệ Hoa; lý giải nguyên nhân khiến thơ Triệu Lệ Hoa trở thành tâm điểm của những tranh luận thơ ca trong năm 2006; cơ chế hình thành “Lê Hoa thể” và “XX thể” - một trào lưu nhái và tái chế các văn bản gốc của người dùng internet tại Trung Quốc từ đầu những năm 2000 đến nay; ý nghĩa, tác động của thơ Triệu Lệ Hoa và sự kiện Lê Hoa đến đời sống thơ ca Trung Quốc trong bức tranh toàn cảnh của thời đại truyền thông.

Nguồn trích: Tạp chí Nghiên cứu Văn học/ 2021, Số 2, Tr.103-117

4. Cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết Dư hoa = Existential consciousness in novels by Yu Hua/ Nguyễn Thị Hoài Thu

Tóm tắt: Từ nỗi ám ảnh về cái chết, tiểu thuyết Dư Hoa thể hiện rõ cảm thức hiện sinh. Trước cuộc đời phi lý và hư vô, nhân vật của ông là những bản thể cô đơn tuyệt đối nhưng luôn trân quý mạng sống của mình. Khi cái phi lý lên ngôi, sự hiện tồn của con người bị đe dọa nghiêm trọng, tiểu thuyết của Dư Hoa là tiếng kêu nhằm cứu lấy sự tôn nghiêm của con người và là nỗ lực lý giải căn nguyên của cái phi lí. Qua đó, ông thể hiện một niềm tin vào sức mạnh đến từ bản năng sinh tồn và tình yêu thương của con người.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội)/ 2018, Số 1, Tr.34-41

5. Từ hình tượng ngư tiều trong thi ca cổ điển Trung Quốc đến hình tượng ngư tiều trong thi ca cổ điển Việt Nam = The image of a fisherman and woodcutter in Chinese and Vietnamese ancient literature/ Đinh Thị Hương

Tóm tắt: Ngư phủ và tiều phu là hai hình tượng xuất hiện nhiều trong thi ca cổ điển Trung Quốc, tượng trưng cho trí và nhân, cho cách xử thế bằng cuộc sống ẩn dật và tự do tự tại, có liên quan mật thiết với các tư tưởng Nho gia và Đạo gia. Hình tượng ngư phủ ngao du trên sông nước, tiều phu thong dong hái củi trên non xanh, cuộc đối đáp ngư tiều trong cảnh chiều tà cũng đã trở thành những cảnh tượng nghệ thuật rất đặc sắc và ý nghĩa trong văn học Trung Quốc, có ảnh hưởng đến thơ ca cổ điển Việt Nam. Qua việc khảo sát, thống kê, so sánh hai hình tượng này trong các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam, kế thừa các thành tựu của các dịch giả và những điểm bình của các nhà nghiên cứu trước, tác giả nghiên cứu này sẽ làm rõ về những hình tượng trên, từ cơ sở hình thành đến lịch sử phát triển, sự thể hiện phong phú và tinh tế của những hình tượng này trong lịch sử văn học. Nghiên cứu này cũng góp phần thể hiện sâu hơn mối liên hệ giữa các hình tượng trong văn học Trung Quốc và Việt Nam, khơi gợi những cảm nhận thẩm mỹ về một số cảnh tượng nghệ thuật trong văn học, từ đây có thể có thêm những cảm nhận trong hội họa và âm nhạc Trung Quốc.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Đại học Sư phạm Hà Nội/ 2020, Số 5, Tr.41-51 

6. Ngôn ngữ và sự đổi mới của văn học Trung Quốc đầu thế kỷ XX = Chinese language and literature reform in the beginning of the 20th century/ Nguyễn Thị Mai Chanh

Tóm tắt: Nói tới quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX không thể không nói tới vấn đề đổi mới ngôn ngữ. Ngôn ngữ đã góp phần đắc lực vào việc đưa nền văn học Trung Quốc dần thoát khỏi phạm trù trung đại, hội nhập vào quá trình phát triển của văn học thế giới. Đổi mới ngôn ngữ không chỉ có ý nghĩa làm nên diện mạo của nền văn học hiện đại, mà còn đóng góp một phần rất lớn vào công cuộc cách tân vĩ đại của xã hội Trung Quốc buổi đầu thế kỉ XX. Nền văn học mới Trung Quốc chính là nền văn học chủ yếu được viết bằng ngôn ngữ nói, dùng thuật ngữ của chính Trung Quốc thì đó là nền văn học được viết bằng “bạch thoại” thay thế cho “văn ngôn” sử dụng trong hơn ngàn năm quá khứ. Dùng thuật ngữ quốc tế, chúng ta có thể nói nền văn học mới này chính là nền văn học của sinh ngữ (Living Language) thay thế cho việc viết bằng thứ ngôn ngữ duy trì trên sách vở từ thời cổ đại - tử ngữ (Dead Language). Bài viết này sẽ đi sâu phân tích quan điểm đổi mới ngôn ngữ đã tác động sâu sắc như thế nào tới văn học hiện đại Trung Quốc giai đoạn đầu thế kỉ XX.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội)/ 2018, Số 10, Tr.3-11

7. Khi "khoảnh khắc trở thành vĩnh viễn”: “đương đại” và “lịch sử” trong văn học đương đại Trung Ọuốc/ Nguyễn Thị Diệu Linh

Tóm tắt: Bài viết thảo luận khái niệm "văn học đương đại" với tư cách là một giai đoạn trong lịch sử văn học Trung Quốc. "Văn học đương đại", hiểu theo nghĩa này có thể được nhìn nhận như là một trong những "đặc sắc Trung Quốc". Từ đó, bài viết trình bày hai khía cạnh của mối quan hệ giữa "đương đại" và “lịch sử" trong văn học đương đại Trung Quốc: “đương đại" trở thành "lịch sử”, và "đương đại" vượt lên trên "lịch sử". Mối quan hệ này đã góp phần đáng kể vào việc phân tư văn học đương đại Trung Quốc nói riêng và lịch sử văn học Trung Quốc nói chung.

Nguồn trích: Tạp chí Nghiên cứu Văn học/ 2021, Số 6, Tr.19-30

8. Đổi mới văn học Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX qua thể loại kịch = Reform of Chinese literature from late 19th century to early 20th century in play/ Nguyễn Thị Mai Chanh

Tóm tắt: Một trong những thành tựu lớn nhất của quá trình đổi mới văn học Trung Quốc cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX chính là xác lập được một hệ thống thể loại mới dưới ảnh hưởng của văn học phương Tây, kết thúc vai trò lịch sử của hệ thống thể loại văn học cũ vốn không chỉ quyết định diện mạo của văn học cổ đại Trung Quốc mà còn quy định cả diện mạo của văn học các nước Đông Á khác tạo thành cái gọi là văn học của các nước thuộc khu vực văn hóa Hán. Quá trình đổi mới văn học thông qua các thể loại cơ bản như tiểu thuyết, thơ ca, kịch không chỉ có ý nghĩa góp phần làm nên diện mạo của nền văn học hiện đại, mà còn đóng góp một phần rất lớn vào công cuộc cách tân vĩ đại của xã hội Trung Hoa. Tuy không “kịch tính” như cuộc cách mạng tiểu thuyết; không vật vã, đau đớn như cuộc “trở dạ” đổi mới của thơ; song cũng như thơ ca và tiểu thuyết, công cuộc đổi mới của kịch diễn ra song song với sự đổi mới của nền văn học nói chung, đồng thời cũng là quá trình tương tác song song giữa các yếu tố bản thổ truyền thống và các yếu tố ngoại lai.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội)/ 2018, Số 1, Tr.10-17

9. Trào lưu “Thơ mông lung” trên thi đàn Trung Hoa nửa sau thế kỉ XX = The trend of “the misty poetry” in the Chinese literature in the second half of the 20th century/ Nguyễn Thị Mai Chanh

Tóm tắt: Sau giai đoạn mười năm động loạn Đại cách mạng văn hoá, văn học Trung Quốc bước sang “thời kỳ mới” với những nỗ lực kiếm tìm sự đột phá trên phương diện nghệ thuật. Tiếng thơ Mông lung không phải ngẫu nhiên được coi là “tiếng kèn hiệu lệnh” của văn học thời kỳ mới. Mạnh mẽ phá vỡ những quy phạm cũ kĩ, chân thành biểu đạt những suy tư mới mẻ về lịch sử xã hội bằng tiếng nói cá nhân, thơ Mông lung cũng được đánh giá là sự phản ánh đầy đủ nhất ý thức, tinh thần của con người thời đại. Tuy nhiên, trước nay các ý kiến đánh giá về trào lưu thơ Mông lung không hoàn toàn thống nhất. Bài viết thêm một lần nhìn nhận lại những giá trị không thể phủ nhận của trào lưu thơ ca độc đáo này, góp thêm tiếng nói tham gia vào cuộc đối thoại trên.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Đại học Sư phạm Hà Nội/ 2020, Số 08, Tr.3-9 

10. Nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết Dư Hoa và cuộc đối thoại với truyền thống văn hóa Trung Quốc/ Nguyễn Thị Hoài Thu

Tóm tắt: Nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết Dư Hoa là một phương tiện nghệ thuật độc đáo để nhà văn đối thoại với các mệnh đề chính trong truyền thống văn hóa Trung Hoa. Thông qua việc phân tích các dạng thức: nhân vật châm biếm, nhân vật hài hước và nhân vật u-mua đen, bài viết tập trung làm sáng tỏ tinh thần phản tỉnh của nhà văn đối với con người và hiện thực. Từ đó, bài viết đi đến khẳng định những đóng góp mới của Dư Hoa trong tư tưởng và nghệ thuật.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Xã hội Nhân văn và Giáo dục (ĐH Đà Nẵng)/ 2021, Số 1, Tr.147-156


11. Nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc: Mạch nguồn, xu thế chuyển động và thành tựu/ Ngô Viết Hoàn

Tóm tắt: Điểm khởi đầu của văn học đương đại Trung Quốc được xác định từ năm 1949 khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Trải qua hơn nửa thế kỷ vận động và phát triển, cùng với những thành tựu đạt được trên phương diện sáng tác, khoa nghiên cứu văn học đương đại tại Trung Quốc cùng ghi nhận nhiều dấu mốc quan trọng, góp phần xác lập hệ hình nghiên cứu, đồng thời có những cống hiến quan trọng thúc đẩy sự phát triển của văn đàn trong nước và quốc tế. Bài viết này tiến hành khảo sát tình hình nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc trên ba phương diện: Mạch nguồn hình thành và phát triển của văn học đương đại Trung Quốc, xu thế chuyển động của khoa nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc từ 1978 đến nay và thành tựu chủ yếu của khoa nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc, qua đó phác họa bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc trên chính quê hương của nó.

Nguồn trích: Tạp chí Nghiên cứu Văn học/ 2021, Số 6, Tr.3-18

12. Con người và thơ Lý Bạch qua những lời phẩm bình của cổ nhân = Li Bai’s self and poetry through ancient criticisms/ Trần Trung Hỷ

Tóm tắt: Trong lịch sử văn học Trung Quốc, Lý Bạch được đánh giá là nhà thơ đại diện cho khuynh hướng thơ lãng mạn dưới thời Đường, giai đoạn phát triển hoàng kim của thơ ca. Từ khi xuất hiện trên thi đàn, Lý Bạch nhận được nhiều sự quan tâm của những người đương thời cũng như lịch sử phê bình văn học Trung Quốc của các đời sau. Bài viết tập trung khái quát những ý kiến đánh giá tiêu biểu nhất về con người và thơ Lý Bạch từ thời Đường đến cuối thế kỷ XIX, tập trung chủ yếu trên ba phương diện: phẩm bình về con người và phong cách thơ, phẩm bình đặc trưng thi pháp thể loại và phẩm bình so sánh với các nhà thơ đương thời.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Huế/ 2021, Số 130, Tr.39-54

13. Biểu tượng về quân tử trong Kinh thi = Junzi symbol in Shijing/ Đinh Thị Hương

Tóm tắt: Quân tử là từ được xuất hiện nhiều lần, cũng là mẫu người lý tưởng được nói đến trong Kinh Thi. Việc dùng một số vật mang ý tượng trưng để chỉ quân tử vừa là sự kế thừa tư duy dùng tượng của người Trung Quốc cổ đại, vừa là sự khơi nguồn cho việc sử dụng biểu tượng của thi ca Trung Quốc sau này. Các biểu tượng cho quân tử vốn là các vật có trong tự nhiên, thể hiện quan niệm trân trọng và đề cao tự nhiên của người xưa. Nghiên cứu này làm rõ một số biểu tượng về người quân tử trong Kinh Thi trên cơ sở kế thừa những chú giải và điểm bình của những người đi trước, đồng thời sử dụng bản dịch Kinh Thi của Tạ Quang Phát để làm cứ liệu về mặt văn bản. Bằng việc chỉ ra một hệ thống các biểu tượng về quân tử (phượng hoàng, hùng trĩ, thanh trúc, Chung Nam sơn, cổ cầm…), nghiên cứu cũng góp phần vào việc lý giải các biểu tượng trong văn học Trung Quốc và Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội)/ 2018, Số 10, Tr.12-20