1. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sản xuất rau an toàn của nông hộ tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng = Analysis of factors influencing farmers' decision on safe vegetable production in Don Duong district, Lam Dong province/ Nguyễn Văn Cường

Tóm tắt: Nghiên cứu khảo sát các hộ sản xuất rau tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sản xuất rau theo hướng an toàn của nông hộ trên địa bàn, đồng thời xác định mức sẵn lòng chấp nhận sản xuất rau an toàn của các hộ dân chưa sản xuất rau an toàn tại đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố tác động đến quyết định sản xuất rau theo hướng an toàn của nông hộ bao gồm: (1) Thu nhập từ sản xuất rau mang lại cho hộ; (2) Trình độ học vấn của người quyết định sản xuất trong hộ; (5) Quy mô sản xuất của hộ; (4) Mức độ hiểu biết về sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn; (6) Sự tác động của các tổ chức xã hội; (10) Hộ có áp dụng công nghệ trong sản xuất hay không; (9) Đánh giá của hộ về việc áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn và xu hướng giá rau an toàn so với rau thường trong tương lai.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2018, Số 11, Tr.261-267

2. Nhận thức của người nông dân trồng rau đối với sản xuất an toàn = Farmers' awareness of food safety in vegetable production/ Phạm Minh Thu

Tóm tắt: Khảo sát bằng bảng hỏi trên 230 nông dân đang trực tiếp sản xuất rau tại các địa bàn nghiên cứu cho thấy, người nông dân nhận thức được sự cần thiết/quan trọng của nguồn đất, nguồn nước, hạt giống/cây giống, hóa chất, kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đồng thời đánh giá cao về lợi ích mà quy trình sản xuất an toàn mang lại. Không có nhiều khác biệt về nhận thức của người nông dân khi xét theo các tiêu chí giới tính, tuổi, địa bàn, nhưng những hộ có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nhận thức tốt hơn về sự cần thiết của nơi được cấp phép bán thuốc, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; những hộ có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn và hiện đang sản xuất an toàn nhận thức rõ hơn về những lợi ích mà quy trình sản xuất an toàn mang lại cho sự phát triển kinh tế gia đình và môi trường sinh sống của chính họ.

Nguồn trích: Tạp chí Tâm lý học/ 2018, Số 08, Tr.73-87

3. Điều phối sản xuất và cung ứng trong chuỗi giá trị rau an toàn từ Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La về Hà Nội = Coordination solutions for production and supply of safe vegetables from Moc Chau and Van Ho, Son La province to Hanoi/ Nguyễn Phi Hùng, Bùi Thị Hằng, Lò Thị Ngọc Minh, Bùi Văn Tùng

Tóm tắt: Vùng Mộc Châu và Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La được xem là “Đà Lạt ở miền Bắc” với lợi thế điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm và đất đai trù phú thích hợp cho phát triển rau quả tươi. Hiện Mộc Châu, Vân Hô đã xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng hàng nghìn tấn rau an toàn mỗi năm từ Mộc Châu và Vân Hồ đến Hà Nội. Nghiên cứu này nhằm làm rõ quá trình điều phối tổ chức sản xuất rau thể hiện vào việc lập kế hoạch sản xuất và triển khai phù hợp tại các hợp tác xã/tổ hợp tác dựa trên nhu cầu tiêu thụ của một số siêu thị và cửa hàng bán lẻ, đồng thời thực hiện dự báo sản lượng rau tới các kênh thị trường (siêu thị và cửa hàng bán lẻ) trước khi thực hiện cung ứng. Từ đó các thông tin sản xuất và thị trường được trao đổi hai chiều. Nghiên cứu cho thấy quá trình điều phối sản xuất và cung ứng thị trường vận hành có hiệu quả đã tạo ra chuỗi giá trị bền vững, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân và tạo ra nguồn sản phẩm rau an toàn, chất lượng cao và ổn định cho siêu thị và người tiêu dùng Hà Nội.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam/ 2020, Số 07, Tr.134 - 140

4. Nghiên cứu tích hợp các công nghệ tưới tiết kiệm nước cho 300 ha rau an toàn tập trung, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận/ Lê Xuân Quang

Tóm tắt: Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu tích hợp các công nghệ lắng lọc, cấp nước, trữ nước và tưới tiết kiệm nước cho 300 ha rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Các công nghệ mới được ứng dụng trong dự án gồm lấy nước từ sông Lu qua công nghệ xử lý lắng lọc đến công nghệ trữ nước của bể lắng, chứa 10.000 m3, đến 15 bể trung gian 500 m3/bể, trạm bơm cấp 1 cấp cho 15 bể chứa trung gian và 15 trạm bơm cấp 2 cấp nước tưới mặt ruộng, công nghệ tưới phun mưa và nhỏ giọt cho từng loại cây trồng trong khu vực dự án. Các công nghệ được tích hợp từ các nước trên thế giới như Israel, Úc, Ý, vv… với các công nghệ, thiết bị của các nước trong khu vực và trong nước để giảm giá thành thấp hơn 30% so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của người dân địa phương là rất cần thiết để nhân rộng trên toàn vùng, đây là dự án KHCN nông nghiệp thông minh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trọng điểm.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi/ 2020, Số 58

5. Nghiên cứu tích hợp các công nghệ tưới tiết kiệm nước cho 300 ha rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận/ Lê Xuân Quang

Tóm tắt: Nghiên cứu tích hợp các công nghệ lắng lọc, cấp nước, trữ nước và tưới tiết kiệm nước cho 300 ha rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Các công nghệ mới được ứng dụng trong dự án gồm lấy nước từ sông Lu qua công nghệ xử lý lắng lọc đến công nghệ trữ nước của bể lắng, chứa 10.000 m3, đến 15 bể trung gian 500 m3/bể, trạm bơm cấp 1 cho 15 bể chứa trong gian và 15 trạm bơm cấp 2 cấp nước tưới mặt ruộng, công nghệ tưới phun mưa và nhỏ giọt cho từng loại cây trồng trong khu vực dự án. Các công nghệ được tích hợp từ các nước trên thế giới như Israel, Úc, Ý... với các công nghệ, thiết bị của các nước trong khu vực và trong nước để giảm giá thành thấp hơn 30% so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người dân địa phương là rất cần thiết để nhân rộng trên toàn vùng, đây là dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thông minh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trọng điểm.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi/ 2020, Số 58 , Tr.54-62

6. Hiệu quả của tưới tiết kiệm nước trong trồng rau an toàn = Efficiency of water saving in growing safe vegetables/ Nguyễn Thị Minh Huệ, Đoàn Thị Phương Ly

Tóm tắt: “Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất rau an toàn” được thực hiện tại Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và Chuyển giao Khoa học công nghệ, trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Kết quả bước đầu cho thấy việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây rau, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí công lao động, tăng năng suất cây trồng. Cụ thể: Năng suất rau bắp cải tăng 2,12 tấn/ha, năng suất rau su hào tăng 1,93 tấn/ha so với trồng rau bằng phương pháp tưới nước truyền thống. Hiệu quả kinh tế của bắp cải cao hơn so với tưới nước truyền thống 19.860.000 đồng/ha, hiệu quả kinh tế của su hào cao hơn so với tưới nước truyền thống 14.555.000 đồng/ha.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (ĐH Tân Trào)/ 2019, Số 14, Tr.82 - 85 

7. Xác định liều lượng bón phân hữu cơ vi sinh thay thế phân vô cơ thích hợp cho sản xuất rau ăn lá an toàn trong vụ hè thu ở miền Bắc Việt Nam/ Trần Thị Minh Hằng, Phạm Văn Cường, Trần Thị Thiêm, Bùi Ngọc Tấn, Hà Thị Quỳnh

Tóm tắt: Xác định liều lượng bón phân hữu cơ vi sinh (HCVS) thay thế cho phân vô cơ thích hợp cho sản xuất rau ăn lá an toàn trong vụ hè thu ở miền Bắc Việt Nam. Thí nghiệm được triển khai tại các vùng trồng rau an toàn của 4 tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên và Hà Nam. Thí nghiệm một nhân tố được bố trí trên cây rau muống và cây mồng tơi theo phương pháp ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD) với 4 công thức (CT1: 100% phân vô cơ (đối chứng), CT2: 75% phân vô cơ + 25% phân HCVS, CT3: 50% phân vô cơ + 50% phân HCVS, và CT4: 25% phân vô cơ + 75% phân HCVS) và 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy bón phân hữu cơ vi sinh thay thế 25% phân vô cơ cho rau muống và thay thế 50% phân vô cơ cho rau mồng tơi giúp cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hơn so với các công thức khác. Bón phân hữu cơ vi sinh thay thế phân vô cơ làm tăng hàm lượng Vitamin C, carotenoid tổng số, carbohydrate và làm giảm dư lượng nitrate trong rau muống và mồng tơi.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam/ 2020, Số 11, Tr. 917-928

 8. Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Phân tích từ hành vi chi trả thêm của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp/ Nguyễn Minh Triết, Trịnh Diệu Hiền, Trần Thị Huỳnh Nga

Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng sản xuất rau an toàn ở tỉnh Đồng Tháp và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi trả thêm của người tiêu dùng. Số liệu nghiên cứu được thu thập từ nguồn thứ cấp và khảo sát trực tiếp 142 người tiêu dùng ở Tp. Cao Lãnh. Phương pháp phân tích hồi quy nhị phân được sử dụng để phân tích số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản xuất rau an toàn ở tỉnh Đồng Tháp có nhiều thuận lợi và khó khăn nhất định. Quyết định chi trả thêm tiền để mua rau an toàn của người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tuổi, kinh nghiệm mua rau an toàn, mức độ dễ tìm của sản phẩm, sự tin tưởng và nhãn hiệu. Dựa trên kết quả phân tích, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Đại học Cửu Long/ 2019, Số 13

9. Tiêu thụ rau an toàn của các hộ gia đình tham gia mô hình thí điểm tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế/ Nguyễn Quang Phục, Nguyễn Đức Kiên

Tóm tắt: Nghiên cứu này phân tích tình hình tiêu thụ rau an toàn của các hộ gia đình tham gia mô hình thí điểm tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Số liệu thứ cấp được thu thập thông qua các báo cáo của chính quyền địa phương và các nghiên cứu trước đây. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn chuyên sâu 6 hộ tham gia mô hình. Bảng hỏi được sử dụng để khảo sát ý kiến của khách hàng về các sản phẩm rau an toàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy kênh tiêu thụ rau an toàn của các hộ khá đa dạng, nhưng số lượng và loại rau tiêu thụ hàng ngày quá hạn chế, chủ yếu tiêu thụ tại thị trấn A Lưới và các địa phương lân cận. Ngoài ra, rau an toàn chưa có nhãn mác, giấy chứng nhận nên gây nhiều khó khăn cho khách hàng trong lựa chọn sản phẩm, từ đó tạo ra sự nghi ngờ về chất lượng và làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình sản xuất, liên kết với Hợp tác xã nông sản A Lưới và tăng cường vai trò của chính quyền là những hàm ý chính sách quan trọng nhằm cải thiện tốt hơn vấn đề tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn tại địa bàn nghiên cứu.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Huế/ 2021/ Số 5A, Tr.5-16

10. Phát triển rau an toàn trong hệ thống thực phẩm bền vững: Một nghiên cứu điển hình tại Thái Nguyên = The development of safe vegetables in sustainable food systems: A case study in Thai Nguyen province/ Nguyễn Thị Minh Huệ, Kiều Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Hiền Thương, Vũ Hải Anh, Nguyễn Hoài Nam

Tóm tắt: Hệ thống thực phẩm (FS) và an toàn thực phẩm vẫn là những vấn đề quan trọng ở Việt Nam. Trong đó, sản xuất và tiếp cận thị trường rau an toàn đóng vai trò quan trọng. Việc sản xuất rau an toàn hiện nay chưa được phát triển, mặc dù phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy sản xuất rau an toàn sử dụng ít nguyên liệu đầu vào hơn và giá bán cao hơn, giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn đòi hỏi nhiều lao động hơn. Chất lượng rau an toàn tốt hơn nhiều so với rau thông thường nhưng cần tuân theo nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn. Mạng lưới rau an toàn ở Thái Nguyên chưa phát triển (chiếm khoảng 10% tổng sản lượng), chủ yếu tiêu thụ rau an toàn tại các siêu thị và một số điểm bán rau an toàn, việc tiêu thụ rau an toàn gặp nhiều khó khăn. Điểm bán hàng không thuận tiện cho người mua và mức độ hài lòng của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp. Cần có nhiều chính sách và định hướng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong quy hoạch vùng sản xuất và kinh doanh rau an toàn, truyền thông về sản phẩm rau an toàn, bao gồm cả truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ của nhà nước đối với sản phẩm là cần thiết.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Tân Trào)/ 2021, Số 24, Tr.96-103 

11. Kinh doanh rau an toàn của các cửa hàng và siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội = Safe vegetable business of shops and supermarkets in Hanoi city/ Nguyễn Thị Tân Lộc, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Linh Trung

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển kinh doanh rau an toàn (RAT) của các cửa hàng và siêu thị (kênh hiện đại) tại Hà Nội; Chỉ ra hoạt động kinh doanh RAT của kênh hiện này hiện nay ra sao? Sự gia tăng và phân bố các điểm bán như thế nào? Có những thay đổi nào trong kinh doanh? Bằng cách thu thập và tổng hợp các thông tin có liên quan qua các công trình đã được công bố và kết quả khảo sát 6 chuỗi siêu thị lớn, 10 chuỗi cửa hàng kinh doanh RAT năm 2019 đã ước được lượng RAT tiêu thụ qua kênh hiện đại của Thành phố đạt 198 tấn RAT/ngày. Ngoài ra thường xuyên cập nhật sự thay đổi của kênh phân phối RAT bài báo đã đạt được mục tiêu đề ra. Bài báo cũng chỉ ra triển vọng kinh doanh RAT qua kênh hiện đại do nhu cầu ngày càng cao của NTD Hà Nội cả về số lượng, chất lượng, đa dạng chủng loại và đa dạng về dạng sản phẩm. Tuy nhiên, khuyến cáo chỉ ra rằng để các nhà phân phối RAT phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng để có sản phẩm cung ứng đều đặn, đảm bảo độ an toàn, đa dạng chủng loại rau và có cả sản phẩm chưa sơ chế và đã được sơ chế, giá cả hợp lý mới đáp ứng được mong muốn của NTD Hà Nội.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam/ 2020, Số 10, Tr.61 - 68

12. Chuỗi cung ứng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Tân Tiến, tỉnh Lâm Đồng/ Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Trâm Anh, Nguyễn Thế Vinh

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng rau an toàn theo chuẩn VietGAP để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, để hoàn thiện chuỗi cung ứng, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm hợp đồng cung cấp đầu vào, HTX Tân Tiến cần chấp hành nghiêm chỉnh việc chấp hành tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, cũng như đẩy mạnh chiến lược marketing nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ 2019, Số 6, Tr.3-6 

13. Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến quản lý chuỗi cung ứng rau an toàn tiêu thụ ở Hà Nội / Nguyễn Thị Thu Hà

Tóm tắt: Hiện nay, mặt hàng rau an toàn (RAT) chưa theo kịp nhu cầu thị trường cả về chất lượng và số lượng, do thiếu kênh phân phối phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Việc cung ứng (CU) đầu vào cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ còn mang tính phân tán, ép giá lẫn nhau và phần thua thiệt vẫn là người tiêu dùng (NTD) và người nông dân. Tình trạng phân phối, CU rau theo nhiều kênh khác nhau khó quản lý kiểm soát đang tạo ra sự lẫn lộn giữa RAT và rau đại trà (RĐT). Do vậy, việc đảm bảo cho sản phẩm RAT đưa ra thị trường cũng như làm tăng giá trị cho mặt hàng này đang là một vấn đề đòi hỏi rất bức thiết hiện nay. Việc xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý chuỗi cung ứng (CCU) RAT là cơ sở để đưa ra các giải pháp quản lý CCU RAT.

Nguồn trích: Tạp chí Công Thương/ 2020, Số 3, Tr.49-54 

14. Đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn thành phố Cần Thơ/ Lê Thị Thúy Kiều, Nguyễn Thị Thu An

Tóm tắt: Ngành hàng rau của Việt Nam chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Những năm gần đây, nhiều trường hợp ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, trong đó có rau củ đã tác động đến hành vi người tiêu dùng làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng rau an toàn. Ngành nông nghiệp Tp. Cần Thơ đã quy hoạch vành đai thực phẩm, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện đề án phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau quả tươi an toàn. Bên cạnh việc thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn cần phải có các điểm tiêu thụ rau an toàn để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay ở Tp. Cần Thơ chỉ có một số điểm bán rau an toàn như siêu thị, cửa hàng rau an toàn,… Do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau an toàn, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với rau an toàn cần xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn của Tp. Cần Thơ.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Cần Thơ/ 2020, Số 01

15. Hành vi chi trả thêm cho sản phẩm rau an toàn: Trường hợp người tiêu dùng tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp/ Nguyễn Minh Triết, Trịnh Diệu Hiền

Tóm tắt: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi trả thêm cho sản phẩm rau an toàn của người tiêu dùng tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng rau an toàn trên địa bàn. Kết luận nghiên cứu dựa trên số liệu khảo sát thực tế 142 người tiêu dùng, nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả và mô hình hồi quy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 89,44% người tiêu dùng sẵn lòng chi trả thêm tiền để mua rau an toàn, trong khi 10,56% không đồng ý. Quyết định chi trả thêm cho rau an toàn của người tiêu dùng trên địa bàn chịu ảnh hưởng bởi 5 yếu tố gồm tuổi, kinh nghiệm mua rau an toàn, mức độ dễ tìm của sản phẩm, sự tin tưởng và nhãn hiệu sản phẩm.

Nguồn trích: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn/ 2018, Số 23, Tr.125-132