TẠP CHÍ BẢN TIN (Khu vực trưng bày tạp chí - Tầng 3)

1.Chức năng dự báo của triết học Mác - Lênin và sự vận dụng của Đảng ta/ PGS. TS. Lương Thanh Hân

Tóm tắt: Dự báo là một chức năng đặc trưng của triết học Mác - Lênin. Đây là chức năng được quy định bởi bản chất nội tại của hệ thống triết học khoa học và cách mạng, thống nhất giữa nhận thức và cải tạo thế giới. Nhận thức và vận dụng sâu sắc vấn đề này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề trong Đảng, trong xã hội”. Trên cơ sở đó, bài viết luận giải về chức năng dự báo của Triết học Mác - Lênin, vai trò của chức năng đó và sự vận dụng của Đảng ta trong nhận định, dự báo tình hình cụ thể của Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 5 (372), Tr. 3 - 10

2.Vận dụng nguyên tắc khách quan của triết học Mác - Lênin vào đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch/ TS. Lê Thị Hạnh

Tóm tắt: Triết học Mác - Lênin là một trong ba bộ phận thống nhất hữu cơ hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bối cảnh hiện nay, để đấu tranh phản bác, các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả, cần vận dụng đúng đắn các nguyên tắc phương pháp luận của triết học Mác - Lênin, đặc biệt là nguyên tắc khách quan. Đây là nguyên tắc giúp cho chúng ta trong quá trình đấu tranh, phản bác luôn tuân thủ yêu cầu phản ánh trung thực bản chất sự vật, hiện tượng với tất cả những gì vốn như nó có, không tô hồng, không bôi đen. Trong hoạt động thực tiễn thì luôn phải xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng quy luật khách quan, hành động theo quy luật khách quan.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 5 (372), Tr. 27 - 33

3. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường phát triển rút ngắn và sự vận dụng ở Việt Nam/ TS. Trần Ngọc Sơn

Tóm tắt: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường phát triển rút ngắn là một nội dung quan trọng của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên cơ sở tổng kết lịch sử phát triển của nhân loại, phân tích chế độ tư bản chủ nghĩa, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra dự báo khoa học về khả năng phát triển rút ngắn, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình vận dụng quan điểm này ở Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứng tỏ đây là con đường phát triển duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 8 (375), Tr. 11 - 19

4. Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay/ PGS. TS. Nguyễn Thu Nghĩa, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương

Tóm tắt: Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa là một trong những mục tiêu đặt ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bài viết trình bày một số vấn đề lý luận về niềm tin; nhận diện, phân tích thực trạng, đánh giá vai trò niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 6 (373), Tr. 14 - 21

5. Tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức ở Việt Nam hiện nay/ PGS. TS. Lê Trọng Tuyến

Tóm tắt: Xây dựng Đảng về đạo đức vừa là phương diện hợp thành nội dung xây dựng Đảng, vừa là nhân tố đảm bảo thành công cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Bởi lẽ, đạo đức có vai trò to lớn đối với một đảng chính trị; hơn nữa, cán bộ, đảng viên có đạo đức trong sáng thì chính trị, tư tưởng sẽ trong sáng, tổ chức sẽ đoàn kết, vững mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng sẽ được nâng cao. Bài viết khẳng định, đạo đức của Đảng có vai trò to lớn đối với tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, là cội nguồn sức mạnh của Đảng; xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ góp phần khắc phục hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên, mà còn góp phần quan trọng trong công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 6 (373), Tr. 22 - 28

6. Phê phán luận điệu sai trái về quan hệ giai cấp và dân tộc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng/ TS. Nguyễn Anh Tuấn

Tóm tắt: Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài viết góp phần nhận diện và phân tích những tác hại của các luận điệu sai trái về quan hệ biện chứng giữa giai cấp và dân tộc đối với nền tảng tư tưởng Đảng. Đồng thời trình bày, phân tích những luận cứ khoa học nhằm phản bác các luận điệu sai trái về mối quan hệ biện chứng giữa giai cấp và dân tộc, qua đó bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 6 (373), Tr. 29 -38

7. Quan điểm của Hồ Chí Minh về sự tương đồng giữa tư tưởng Phật giáo với giá trị văn hóa dân tộc và ý nghĩa của quan điểm đó đối với Việt Nam hiện nay/ TS. Phạm Thị Kiên

Tóm tắt: Những tư tưởng tiến bộ và nhân văn của Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là những nội dung quan trọng kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu nước, thương dân, gắn bó với nhân dân, đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Với ý nghĩa đó, bài viết bước đầu tìm hiểu quan điểm của Hồ Chí Minh về sự tương đồng giữa tư tưởng Phật giáo với các giá trị văn hóa dân tộc, từ đó chỉ ra ý nghĩa của nó đối với Việt Nam hiện nay.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 5 (372), Tr. 11 - 16

8. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân/ TS. Đặng Văn Khương

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả đã luận giải và khẳng định rằng nguồn gốc ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam về xây dựng quân đội nói chung, xây dựng mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân nói riêng kết hợp với tinh hoa quân sự của nhân loại và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản vào thực tiễn xây dựng một quân đội cách mạng ở Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 5 (372), Tr. 17 - 26

9. Tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng/ GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu những luận điểm quan trọng trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tính tất yếu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về thời kỳ quá độ - một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cho nên không thể nóng vội, không thể đốt cháy giai đoạn, cũng không thể hiểu chủ nghĩa xã hội một cách đơn giản. Các điểm cốt lõi nhất về chủ nghĩa xã hội đã được Tổng Bí thư trình bày rất cô đọng, tựu trung lại, đó là xã hội thực sự vì con người; đặc biệt, sự phát triển về kinh tế phải gắn chặt với sự tiến bộ và công bằng xã hội để thu hẹp khoảng cách giàu -nghèo, đồng thời xã hội đó phải thật sự khoan dung, nhân văn, mọi người đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ; sự phát triển bền vững của xã hội phải hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người của thế hệ hiện tại và tương lai.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 7 (374), Tr. 3 -12

10. Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc con người - vận dụng vào chăm lo hạnh phúc con người hiện nay/ PGS. TS. Trần Thị Minh Tuyết

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc vĩ nhân đã dành trọn đời mình cho hạnh phúc của dân tộc và nhân loại. Sự nghiệp vĩ đại đó đã bắt nguồn không chỉ từ tình yêu mà còn từ nhận thức sâu sắc, khoa học của Người về hạnh phúc con người. Trong bài viết này, tác giả muốn làm rõ những quan điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc con người và nêu phương hướng hiện thực hóa tư tưởng của Người trong đời sống đất nước hôm nay.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 4 (371), Tr. 13 - 21

11.Triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh với đổi mới giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay/ TS. Đinh Văn Thụy

Tóm tắt: Triết lý giáo dục của Hồ chí Minh chứa đựng giá trị lý luận lẫn thực tiễn nên được Đảng ta kế thừa, vận dụng và đã thu được một số thành tựu quan trọng trong phát triển, đổi mới giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, “đổi mới giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thừa nhận. Vì vậy, trên cơ sở triết lý giáo dục của Người, bài viết đề xuất một số nội dung cần quán triệt sâu sắc trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng nhằm thu được nhiều thành tựu to lớn hơn.

Nguồn trích: Tạp chí Triết học/ 2022, Số 4 (371), Tr. 22 - 29