1. Đánh giá hiện trạng công tác quản lý môi trường tại một số làng nghề huyện Quốc Oai, Hà Nội = Assessment of the current environmental management situation in some handcraft villages in Quoc Oai, Hanoi/ Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Thanh Nhung

Tóm tắt: Nhằm giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, công tác quản lý của nhà nước và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Bài báo nêu những đánh giá về hiện trạng công tác quản lý môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội, cụ thể là làng nghề sản xuất đồ mỹ nghệ Yên Quán (xã Tân Phú); làng nghề đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ). Qua đó cho thấy mức độ quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp địa phương.
Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2022, Số CD3, Tr.68-77 - ISSN.2615-9597

2. Nghiên cứu hiện trạng và một số định hướng về quản lý môi trường nước trong hệ thống thủy lợi/ Vũ Thị Thanh Hương, Vũ Quốc Chính, Phạm Thị Phương Thảo

Tóm tắt: Trên cơ sở kết quả khảo sát tại 13 hệ thống thủy lợi (HTTL) đại diện cho các vùng Bắc, Trung, Nam, nội dung bài viết đánh giá về hiện trạng quản lý môi trường nước (QLMTN) trong HTTL bao gồm từ năng lực quản lý, nguồn tài chính, các văn bản quản lý, các hoạt động triển khai như công tác giám sát, dự báo chất lượng nước, vận hành tưới tiêu để giảm thiểu ô nhiễm nước, cải tạo, xây mới các công trình tưới, tiêu để cải thiện dòng chảy môi trường, quản lý nguồn thải, cấp phép xả nước thải vào HTTL. Những tồn tại trong công tác QLMTN trong HTTL là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước như hiện nay và xu hướng sẽ ngày càng gia tăng. Để quản lý môi trường nước trong HTTL đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và ngành Nông nghiệp và PTNT cần phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên bởi tình trạng ô nhiễm nước không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ảnh hưởng đến dân sinh và các ngành kinh tế.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi/ 2018, Số 50

3. Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn nông nghiệp tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình = Assessment of the current status and proposes solutions for agricultural solid waste management in the area of Vu Quy commune, Kien Xuong district, Thai Binh province / Đào Văn Hiền, Đỗ Lan Chi

Tóm tắt: Giống như nhiều xã, huyện khác trong tỉnh Thái Bình, xã Vũ Quý có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích đất tự nhiên. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý, giám sát, cảnh báo, khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp còn bị bỏ ngỏ, các chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai kịp thời trong khi định hướng phát triển của xã trong 10 năm tiếp theo là phát triển nông nghiệp kết hợp công nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý chất thải rắn (CTR) nông nghiệp trên địa bàn xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình” là việc làm cần thiết, vừa có ý nghĩa về mặt khoa học, vừa góp phần BVMT. Kết quả của nghiên cứu này cũng là bài học bổ ích cho các địa phương khác trên cả nước tham khảo trong quản lý CTR nông nghiệp.

Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2022, Số CD3, Tr.78-81 - ISSN.2615-9597

4. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý môi trường tại Tổng cục Môi trường/ Nguyễn Xuân Thủy

Tóm tắt: Chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một tổ chức, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động và cung cấp giá trị mới để đạt mục tiêu, cũng như tăng tốc hoạt động của tổ chức. Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức truyền thống sang tổ chức số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (big data), mạng Internet vạn vật (IoT) điện toán đám mây (cloud computing)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa của tổ chức. Đây là quá trình lâu dài, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề phát triển bền vững, đồng thời giúp cải thiện năng suất lao động, cũng như tăng cường khả năng kết nối.

Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2022, Số 1, Tr.50-53 - ISSN.2615-9597

5. Ứng dụng công nghệ IoT và mạng cảm biến trong giải pháp quản lý môi trường và nâng cao hiệu quả mô hình lúa tôm ở huyện An Biên tỉnh Kiên Giang = Application of IoT technology and sensor network in environmental management solutions and improvement of the efficiency of rice-shrimp models in An Bien district, Kien Giang province/ Trương Minh Thái, Dương Nhựt Long

Tóm tắt: Mô hình lúa - tôm là mô hình canh tác truyền thống của nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, hoạt động khai thác mô hình chủ yếu từ kinh nghiệm dân gian, hiệu quả kinh tế thấp. Công nghệ IoT và mạng cảm biến được ứng dụng trong quản lý môi trường trong mô hình canh tác lúa - tôm ở huyện An Biên tỉnh Kiên Giang nhằm xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật vận hành mô hình, nâng cao lợi nhuận cho người canh tác lúa tôm. Trong thực nghiệm, hệ thống quan trắc ứng dụng công nghệ IoT và mạng cảm biến được dùng để thu thập, giám sát và quản lý dữ liệu của các yếu tố môi trường (độ mặn, pH, NH4, DO, nhiệt độ) trong mô hình canh tác lúa - tôm ở 4 xã của huyện thuộc huyện An Biên đã được triển khai thiết kế, lắp đặt và vận hành. Hệ thống này giúp cho nông dân chủ động quyết định thời gian phù hợp để cấp nước thêm cho ruộng tạo sự ổn định của chất lượng nước trong ruộng nuôi, nâng được tỷ lệ sống của tôm, tăng hiệu quả kinh tế.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Cần Thơ)/ 2022, Số CĐSDMD, Tr..31-41 - ISSN.1859-2333 

6. Bảo đảm giá trị kinh tế của giấy phép môi trường = Ensuring the economic value of the environmental permit/ Đặng Hoàng Sơn

Tóm tắt: Giấy phép môi trường (GPMT) là một công cụ quản lý môi trường (MT) quan trọng, đồng thời cũng đem lại giá trị kinh tế to lớn cho chủ thể được cấp loại giấy phép (GP) này. Tuy nhiên, hiện nay, quy định pháp luật cũng như thực tiễn thực hiện ở Việt Nam còn một số bất cập, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm giá trị kinh tế của GPMT. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả phân tích, làm rõ bản chất pháp lý và kinh tế của GPMT, chỉ ra những bất cập để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao giá trị kinh tế của GPMT.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2022, Số 4, Tr.49-53 - ISSN.0866-7756

7. Các nhân tố quyết định thành công khi áp dụng Hệ thống quản lý môi trường / Giang Minh Đức, Nguyễn Thành Độ, Đỗ Thị Đông

Tóm tắt: Nghiên cứu này xem xét các nhân tố quyết định sự thành công trong áp dụng Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001). Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp ở Việt Nam về các nhân tố quyết định thành công khi áp dụng ISO 14001, đồng thời kiểm định các thang đo dùng để đo lường những nhân tố này. Kết quả cho thấy, 5 nhân tố quan trọng trong quá trình áp dụng ISO 14001 là: Cam kết của lãnh đạo (6 tiêu chí); Sự tham gia của nhân viên (5 tiêu chí); Đào tạo (4 tiêu chí); Thiết kế sản phẩm xanh (4 tiêu chí); Quản lý nhà cung ứng (4 tiêu chí). Trong đó, các doanh nghiệp đánh giá tích cực vai trò của các nhân tố, như: Thiết kế sản phẩm xanh, Cam kết của lãnh đạo, tiếp đến là Quản lý nhà cung ứng. Đào tạo và cuối cùng là Tham gia của nhân viên.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ 2021, Số 9, Tr.46-49 - ISSN.0866-7120 

8. Áp dụng hệ thống quản lý môi trường mang lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp = Benefits for enterprises from adoption of environmental management system/ Giang Minh Đức

Tóm tắt: Nghiên cứu này xem xét lợi ích từ việc áp dụng Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001) mang lại cho doanh nghiệp theo quan điểm phát triển bền vững, đồng thời kiểm định các thang đo dùng để đo lường khái niệm này. Tác giả tiến hành khảo sát ý kiến cảm nhận của các doanh nghiệp đã được chứng nhận ở Việt Nam về lợi ích của áp dụng ISO 14001. Kết quả cho thấy, ISO 14001 mang lại lợi ích tích cực trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó lợi ích về kinh tế, môi trường được đánh giá cao. Thang đo phản ánh lợi ích phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng được xây dựng và kiểm định.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ 2021, Số 6, Tr.3-7 - ISSN.0866-7120

9. Tích hợp kế toán môi trường trong vai trò công cụ quản lý môi trường ở các công ty xây dựng tại Việt Nam = The integration of environmental accounting into the Environmental Management System (EMS) in Vietnamese contruction companies/ Trần Thị Thanh Huyền, Hoàng Bắc An

Tóm tắt: Việc tích hợp kế toán môi trường (KTMT) vào Hệ thống quản lý môi trường (EMS) sẽ được coi là sự tuân thủ tự điều chỉnh đối với yêu cầu pháp lý và quy định, nhằm giảm các chi phí liên quan đến vấn đề môi trường, tạo được sản phẩm xanh phù hợp với xu hướng phát triển trong xây dựng hiện nay. Nghiên cứu nhân mạnh vào việc sử dụng KTMT để cải tiến liên tục các chính sách và quy trình của công ty thông qua việc tích hợp các quy định, tiêu chuẩn trong xây dựng, phát triển khoa học vào EMS cùng với các lĩnh vực chức năng khác trên góc độ của các công ty xây dựng tại Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2022, Số 8, Tr.390-395 - ISSN.0866-7756 

10. Quản lý môi trường biển: Tiếp cận từ kiểm soát hoạt động lấn biển/ Hoàng Nhất Thống, Nguyễn Hồng Thuyên

Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia biển trong khu vực Biển Đông với đường bờ biển dài hơn 3.260 km (không kể bờ các đảo), trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2 , trải dài 15 vĩ độ từ Bắc xuống Nam. Với hình thế đất nước hẹp chiều ngang, nhiều sông ngòi, đồi núi dốc giúp lãnh thổ Đồng bằng châu thổ được mở rộng một cách tự nhiên ra phía biển do phù sa bồi đắp hàng năm nên Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương.

Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2022, Số 2, Tr.39-40 - ISSN.2615-9597

11. Những lợi ích đối với doanh nghiệp khi áp dụng hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001)/ Nguyễn Thành Độ, Phạm Thanh Vân, Giang Minh Đức

Tóm tắt: Nghiên cứu này xem xét lợi ích do việc áp dụng ISO 14001 mang lại cho doanh nghiệp, đồng thời kiểm định các thang đo phản ánh lợi ích này. Các tác giả tiến hành phỏng vấn sâu một số doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để nhận biết những lợi ích do việc áp dụng hệ thống này mang lại. Từ đó tiến hành khảo sát ý kiến đánh giá của doanh nghiệp đối với những thang đo đo lường các lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Kết quả nghiên cứu thống kê mô tả đã khẳng định lợi ích từ việc áp dụng ISO 14001 thể hiện qua 2 nhân tố “lợi ích môi trường, xã hội” và “lợi ích kinh tế”. Các doanh nghiệp đánh giá cao khả năng đạt được những lợi ích này đặc biệt là lợi ích về môi trường và xã hội.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính - Quản trị Kinh doanh/ 2019, Số 16, Tr.5-14 - ISSN.2525-2305

12. Tác động của hiệu quả quản lý môi trường đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam/ Từ Thúy Anh, Chu Thị Mai Phương

Tóm tắt: Nghiên cứu này xem xét tình trạng xả thải và xử lý chất thải của các doanh nghiệp ở Việt Nam thông qua việc sử dụng chỉ số tổng thể để đánh giá quản lý môi trường của doanh nghiệp: Chỉ số quản lý môi trường (EMI). Đây là bộ chỉ số quản lý môi trường lần đầu tiên được đề xuất cho Việt Nam và có thể tính toán được. Từ đó, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của hành động môi trường (đo bằng EMI) đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế/ 2021, Số 1, Tr.22-29 - ISSN.0866-7489