TẠP CHÍ BẢN TIN (Khu vực trưng bày tạp chí - Tầng 3)
1. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Nhật Bản (1975 - 1985)/ PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, TS. Phạm Thị Lương Diệu
Tóm tắt: Sau chiến thắng mùa xuân 1975, Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan, những năm 1975 - 1985, Việt Nam phải đối diện với những khó khăn to lớn trong quan hệ quốc tế. Do đó, một mặt, Đảng, Nhà nước Việt Nam tìm tòi và tiến hành đổi mới cục bộ; mặt khác, triển khai những bước đi cụ thể phá thế bao vây về ngoại giao, thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực, mà một trong những đối tác đó là Nhật Bản. Đó là một quá trình hết sức phức tạp, gắn liền và là một phần quan trọng thông qua quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (379) Tháng 6, Tr. 69 - 74
2.Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm xây dựng và phát triển (1992 - 2022)/ PGS. TS. Phan Văn Rân, TS. Nguyễn Văn Chuyên
Tóm tắt: Trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, ngày 22-12-1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao; năm 2001, hai nước nâng quan hệ thành “Đối tác toàn diện”; năm 2009 phát triển thành quan hệ “Đối tác chiến lược”. Đến nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển sâu rộng, trở thành đối tác hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Bài viết phân tích những cơ sở thúc đẩy sự hợp tác, mối quan hệ gắn bó, bền chặt, vững chắc giữa hai nước, đồng thời khái quát những thành tựu hợp tác có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của hai nước (1992 - 2022).
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (384) Tháng 11, Tr. 62 - 68
3. Mối quan hệ “Vì tình, vì nghĩa, vì dân tộc, vì quốc tế” giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản biểu tượng “quan hệ đặc biệt” Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam / PGS. TS. Trần Trọng Thơ
Tóm tắt: Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một biểu tượng mẫu mực về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Biểu tượng cho “quan hệ đặc biệt”, “Vì tình, vì nghĩa, vì dân tộc, vì quốc tế” hiếm có trên thế giới giữa hai nước Việt Nam và Lào là quan hệ tỏa sáng nhiều giá trị cao đẹp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản. Đồng thời, quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản là một bộ phận cấu thành, nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm “quan hệ đặc biệt” Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (383) Tháng 10, Tr. 67 - 75
4. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp cận từ góc độ lịch sử - văn hóa/ GS. TS. Nguyễn Thái Yên Hương
Tóm tắt: Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1995) và nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện (2013), quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã tiến khá xa so với điểm khởi đầu. “Từ hai nước cựu thù nay đã trở thành đối tác” là câu thường được nhắc tới bởi các chính khách và các nhà nghiên cứu. Đến nay, quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ với những thành tựu và sự phát triển đạt được kết quả của một hành trình dài với những nỗ lực của cả hai bên, gác lại quá khứ và đồng thuận mở ra một con đường hợp tác chung mới trong lịch sử hai nước. Bài viết đóng góp một cách tiếp cận để làm rõ thêm “sự tương đồng” về những giá trị trong “lịch sử” và “văn hóa” giữa hai nước; coi đây là cơ sở để hiểu được xu hướng phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (385) Tháng 12, Tr. 66 - 73
5. Hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia (2010 - 2022)/ PGS. TS. Nguyễn Sỹ Tuấn, Cao Thị Mai Hoa
Tóm tắt: Trong những năm 2010 - 2022, Việt Nam - Campuchia đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hợp tác giáo dục. Trong đó, hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bậc đại học và sau đại học trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, y tế, kiến trúc…được đẩy mạnh. Bài viết phân tích thực trạng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam với Campuchia và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (385) Tháng 12, Tr. 74 - 79
6. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là tài sản vô giá, nguồn sức mạnh và nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của mỗi nước/ PSG. TS. Trần Thị Thu Hương, TS. Nguyễn Văn Trung
Tóm tắt: Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống hình thành lâu đời trong lịch sử và được nâng lên tầm cao mới khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (từ tháng 10- 1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương); cùng đoàn kết liên minh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và phát triển trở thành quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước. Mối quan hệ đó đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá, là nguồn sức mạnh và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (386) Tháng 1, Tr. 83 - 89
7. Thành tựu về đối ngoại và hội nhập quốc tế qua 35 năm thực hiện đổi mới (1986 -2021)/ TS. Nguyễn Thị Hoài Phương
Tóm tắt: Sau 35 năm (1986 -2021) thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại, đẩy lùi được chính sách cô lập về chính trị, bao vây kinh tế; mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Bài viết tập trung làm rõ quá trình đổi mới đường lối đối ngoại và những thành tựu đạt được trong 35 năm (1986 -2021) của Việt Nam.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (378) Tháng 5, Tr. 76 - 81
8. Một số quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về đối ngoại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc/ PGS. TS. Phạm Hồng Chương, TS. Đinh Đức Duy
Tóm tắt: Trong cuộc đời hoạt động của mình, trên cương vị lãnh đạo Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc về lý luận và hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực đối ngoại của Đảng. Bài viết tập trung làm rõ một số quan điểm của đồng chí Lê Duẩn trong lĩnh vực đối ngoại như: độc lập tự chủ, chiến tranh và hòa bình, kết hợp mục tiêu của dân tộc với thời đại, về thực hiện phương pháp cách mạng đúng đắn. Qua đó, góp phần làm rõ những cống hiến “nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp” của đồng chí Lê Duẩn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (379) Tháng 6, Tr. 64 - 68
9. 55 năm ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng/ Bùi Thanh Sơn
Tóm tắt: Ngày 8-8-1967 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng vì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và khu vực. Từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN ngày nay là một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín và thành công trên thế giới, là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân của 10 quốc gia Đông Nam Á có bản sắc văn hóa đa dạng, một cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (382) Tháng 9, Tr. 57 - 59
10. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng (2001 - 2016)/ Trần Quốc Việt
Tóm tắt: Hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là chủ trương lớn của Đảng xuyên suốt thời kỳ đổi mới. Chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế dần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với những thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước đã đem lại những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Từ thực tiễn quá trình Đảng hoạch định chủ trương, chỉ đạo thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm 2001 - 2016 đã để lại những kinh nghiệm có giá trị tham khảo trong những năm tiếp theo.
Nguồn trích: Tạp chí Lịch sử Đảng/ 2022, Số (378) Tháng 5, Tr. 82 - 88