1. Một số vấn đề đặt ra trong triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030/ Trương Bá Tuấn

Tóm tắt: Ngày 23/4/2022, Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được ban hành. Việc thực hiện thành công Chiến lược này có vai trò rất quan trọng trong củng cố nguồn lực cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện Chiến lược đòi hỏi cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp, vừa xử lý được cả những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời, phải kiên định với các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đảm bảo sự đồng bộ trong cải cách chính sách thuế với cải cách về thể chế quản lý thuế.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 6 - 9

2. Cải cách hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước/ Lê Thị Chinh, Đinh Thu Phương

Tóm tắt: Để góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là yêu cầu về phát triển bền vững nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, hướng tới việc xây dựng một hệ thống thuế công bằng, hiệu quả, có khả năng nuôi dưỡng, huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bài viết đánh giá một số thành tựu đạt được trong cải cách hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn 2011-2020 cũng như mục tiêu, giải pháp cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 10 -13

3. Hoàn thiện thể chế quản lý thuế đến năm 2030/ Lưu Đức Huy

Tóm tắt: Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược nêu rõ quan điểm về việc xây dựng thể chế quản lý thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ quan thuế Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, đủ năng lực để thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế đã đề ra.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 14 - 16

4. Xây dựng bộ máy cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ/ Nguyễn Quang Tiến, Hoàng Vân Anh

Tóm tắt: Mục tiêu đến năm 2030 của ngành Thuế là xây dựng bộ máy cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có đủ quyền hạn và năng lực chủ động thực thi pháp luật thuế, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 17 - 21

5. Định hướng quản lý thuế trên nền tảng số/ Phạm Quang Toàn

Tóm tắt: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực hiện các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế. Tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới ứng dụng CNTT vào các khâu quản lý thuế, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, quản lý thuế.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 22 - 24

6. Cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế/ Vũ Mạnh Cường

Tóm tắt: Thực hiện chương trình cải cách tổng thể của Chính phủ, Chiến lược cải cách của ngành Thuế giai đoạn 2011-2020, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế được cải cách mạnh mẽ từ xây dựng thể chế, quy trình quy chế, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ dựa trên áp dụng quản lý rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Từ đó, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã được đổi mới toàn diện theo hướng thống nhất, hiện đại, chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào việc tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật thuế; góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước và ngăn ngừa, cảnh báo các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 25 - 28

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế/ Trần Thị Thanh Bình, Nguyễn Minh Châu

Tóm tắt: Trong nhiều năm qua, nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với rất nhiều chương trình hành động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế không chỉ trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi chính sách, kinh nghiệm quản lý thuế và thông tin với cơ quan thuế các nước trên thế giới mà cơ quan thuế Việt Nam đã cùng cộng đồng các nước thông qua nhiều diễn đàn toàn cầu xây dựng các chính sách, khuôn khổ, chuẩn mực chung để tiến tới đạt được lợi ích chung, tăng số thu ngân sách và chống gian lận về thuế.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 29 - 32

8. Giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn/ Thái Minh Giao và các cộng sự

Tóm tắt: Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn đã phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những đóng góp tích cực, sự phát triển của hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn cũng đặt ra không ít thách thức đối với vấn đề quản lý thuế. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tổng hợp, khái quát những đặc trưng cơ bản của lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn; Thực trạng chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời, đưa ra quan điểm và đề xuất các giải pháp về chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời gian tới.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 45- 48

9. Xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu suất các đội chi cục thuế/ Lê Minh Duy và các cộng sự

Tóm tắt: Nghiên cứu này trình bày quy trình và các cách thức tổ chức triển khai hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu suất công việc (KPIs) vào các Đội thuộc các Chi cục Thuế ở Việt Nam (gồm 10 bước triển khai áp dụng). Trong nghiên cứu, tác giả cũng đã tổng kết những kết quả đạt được từ thực hiện áp dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu suất công việc theo KPIs, qua đó đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả công việc theo KPIs.

Nguồn trích: Tạp chí Tài chính/ 2022, Kỳ 1 - Tháng 12 Số 790, Tr. 49 -52

10. Quản lý thuế thương mại điện tử: Khó khăn, thách thức và một số giải pháp trong thời gian tới/ Ngô Thị Thu

Tóm tắt: Thời gian qua, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa trong việc quản lý thuế TMĐT trong thời gian tới.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ 2023, Số 4, Tr. 17 - 20